Nhân Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới, Đại sứ Việt
Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã chia sẻ về sự kiện và sự tham gia của
Việt Nam.
Hội
nghị là sáng kiến do Pháp tích cực thúc đẩy, được kỳ vọng là gạch nối
giữa sáng kiến Bridgetown và các sự kiện quốc tế quan trọng trong năm
2023 như Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển
hàng đầu thế giới (G20) tại Ấn Độ, Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc
về các mục tiêu phát triển bền vững tại New York (Mỹ) hay Hội nghị
thượng đỉnh Các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến
đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) tại Dubai, các Tiểu vương quốc Arab thống
nhất.
Chia sẻ với báo chí xung quanh sự
kiện, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết, thế giới đang
đứng trước nhiều cuộc khủng hoảng chưa từng có như biến đổi khí hậu và
đa dạng sinh học, cùng các tác động của đại dịch COVID-19, xung đột và
gia tăng bất bình đẳng. Hệ quả trước hết là nguồn chi ngân sách của các
quốc gia kiệt quệ, nợ công tăng vọt, khiến việc đạt các mục tiêu phát
triển bền vững cũng như các cam kết Montréal và Côn Minh về biến đổi khí
hậu ngày càng khó khăn hơn.
Do đó, để có nguồn lực ứng phó với những
thách thức trên, các quốc gia cần xây dựng một hiệp ước tài chính toàn
cầu mới; cần chia sẻ một tầm nhìn chung nhằm cải tổ hệ thống tài chính
đa phương và xác định các phương thức mới để cùng tiến tới đạt mục tiêu
tăng trưởng bền vững và chuyển dần sang nền kinh tế không carbon.

Tiến tới đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững và chuyển dần sang nền kinh tế không carbon
Đề cập đến sự tham gia của đoàn Việt Nam
tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới, Đại sứ Đinh
Toàn Thắng chia sẻ, là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ
thiên tai và biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một
chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững. Nhiều năm
qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và các nguồn lực
tài chính cho tăng trưởng xanh; chủ trương nhất quán và xuyên suốt của
Việt Nam là quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh
tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Việc Việt Nam tham gia Hội nghị tới
đây cho thấy việc quyết tâm tiếp tục thực hiện cam kết mạnh mẽ, nhất
quán của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện trách
nhiệm của Việt Nam chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết các thách
thức toàn cầu.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, tăng trưởng
xanh là một nội dung quan trọng trong chính sách phát triển bền vững của
Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững và
góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
Ngày 1/10/2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg
phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 -
2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ
cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh
vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng
tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế
sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Việt Nam hướng đến chuyển dịch cơ cấu
ngành năng lượng theo hướng ưu tiên, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo,
năng lượng sạch để giảm tối đa tình trạng khai thác và sử dụng nhiên
liệu hóa thạch. Trong lĩnh vực nông nghiệp ,Việt Nam chủ trương phát
triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, áp dụng các
quy trình sản xuất thân thiện môi trường và an toàn với sức khỏe con
người, chú trọng nông nghiệp công nghệ cao.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định, cũng
như các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương, Việt Nam mong muốn
quá trình chuyển đổi năng lượng cần công bằng, theo đó mỗi quốc gia cần
quan tâm đầy đủ đến quyền lợi của mọi người dân và không để ai bị bỏ lại
phía sau; các quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính trong quá khứ cần
thực hiện trách nhiệm lịch sử của mình và hỗ trợ các nước đang phát
triển về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực, chuyển đổi năng
lượng; cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp và tính đến điều kiện, hoàn
cảnh của từng quốc gia.
Theo quan điểm của Việt Nam, để tránh việc
phân tán nguồn lực hoặc mỗi quốc gia đi theo một hướng phát triển khác
nhau, cần đánh giá lại vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương,
thay đổi cách tiếp cận của quan hệ đối tác giữa các ngân hàng phát triển
với các quốc gia, theo đó phải ưu tiên hài hòa bảo vệ môi trường với
các mục tiêu phát triển, chuyển đổi quy mô hợp tác thông qua huy động
tất cả các công cụ và đối tác; khuyến khích các ngân hàng tăng cường
phối kết hợp trong triển khai nhiệm vụ.
Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới diễn ra tại Pháp từ ngày 21 - 24/6/2023.
Mỹ Dung
Nguồn:https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Viet-Nam-tham-du-Hiep-uoc-Tai-chinh-toan-cau-moi-ve-tang-truong-ben-vung-6-1954-21256